TP Hồ Chí Minh: ‘Đánh thức’ kinh tế đêm
Khi đến TPHCM, nhiều du khách khá bất ngờ khi ngoài việc tham quan các di tích lịch sử, công trình kiến trúc văn hóa, thưởng ngoạn cảnh đẹp địa phương, còn được trải nghiệm cuộc sống về đêm tại một trong những đô thị sầm uất nhất cả nước.
Một góc phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) sôi động về ban đêm. Ảnh: Hồng Phúc.
“Điểm sáng” thu hút du khách
Là người Đà Lạt nhưng sống tại TPHCM đã 20 năm, anh Nguyễn Ngọc Thanh (35 tuổi, nhân viên Công ty TNHH VietLand) lần đầu được trải nghiệm tại “Phố ẩm thực Phan Xích Long” (quận Phú Nhuận, TPHCM) vào dịp đầu năm 2024. Anh Thanh khá bất ngờ khi chứng kiến hàng ngàn người tập trung về phố ẩm thực Phan Xích Long vào mỗi đêm.
“Ở đây, không chỉ có những đặc sản rất nổi tiếng của Nam bộ như bánh canh, hủ tiếu, mà còn bày bán các đặc sản địa phương như xúc xích Lạng Sơn, Cao Bằng, bún chả Hà Nội, bún cá Nha Trang… Điều bất ngờ hơn nữa là tại phố ẩm thực Phan Xích Long cũng có nhiều điểm check-in cho du khách”, anh Thanh chia sẻ.
Nói về mô hình kinh tế đêm “Phố ẩm thực Phan Xích Long”, ông Đỗ Đăng Ái, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận (TPHCM) cho biết, địa phương đã có quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng để kịp khai trương mô hình kinh tế đêm, điểm đến thân thiện và an toàn của quận Phú Nhuận vào dịp Tết vừa qua. “Chúng tôi cố gắng để xây dựng bản sắc, chất lượng và hiệu quả hoạt động lâu dài của một phố ẩm thực, để du khách trong nước và quốc tế khi ghé thăm sẽ lưu lại ấn tượng”.
Không chỉ riêng quận Phú Nhuận, UBND quận 1 cũng đang xây dựng đề án thí điểm xây dựng "3 trục động lực" và đề xuất "5 mô hình thí điểm" để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm của quận trung tâm TPHCM này. Về định hướng này, ông Nguyễn Duy An - Phó Chủ tịch UBND quận 1 - cho biết, quận đã trình đề án "Triển khai một số giải pháp định hướng phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận 1" lên UBND TPHCM.
Qua thực tế nghiên cứu, các dịch vụ lõi chiếm đến 90% dịch vụ kinh tế đêm là ăn uống, bao gồm đồ uống có cồn, ẩm thực... Ngành ăn uống của quận 1 thời gian qua cũng là một trong những điểm sáng, đáp ứng được chất lượng yêu cầu của du khách, với các mô hình Khu phố Tây Bùi Viện hay chợ đêm Công viên 23/9....
Cần mô hình để mở rộng kinh tế đêm
Trong nhiều năm, TPHCM ấp ủ “Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030”, trong đó coi sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong 3 sản phẩm để thúc đẩy cho công nghiệp “không khói” của thành phố.
Vì vậy, khi kết luận về các đề án, phương án chỉnh trang khu vực trung tâm thành phố để phát triển kinh tế đêm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã giao Sở Tài chính và các sở, ngành thành phố khẩn trương góp ý, tham mưu cho UBND thành phố, trong đó có đề án phát triển du lịch và kinh tế đêm khu vực trung tâm; chỉnh trang chợ Bến Thành.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM, một Tổ Công tác đầu tư nghiên cứu phát triển không gian đô thị khu vực trung tâm TPHCM có nhiệm vụ đề xuất kế hoạch và hình thức kêu gọi đầu tư xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm tại các khu vực trung tâm, như Công viên bến Bạch Đằng, các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, Công viên 23/9, nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành...
Ngoài quận 1, TPHCM cũng tích cực cải tạo phải đảm bảo tương quan về kiến trúc cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Sài Gòn giữa quảng trường công viên bờ sông của Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và công viên bến Bạch Đằng (quận 1). Tương lai, TPHCM sẽ phát triển khu vực này thành một trong những “điểm sáng” kinh tế đêm của thành phố ở hai bờ sông Sài Gòn.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, qua khảo sát cho thấy dịch vụ lõi của kinh tế ban đêm vẫn còn mang tính tự phát, chưa có khả năng đáp ứng nhu cầu ở quy mô lớn với tiêu chuẩn kỹ thuật và thẩm mỹ cao, đồng thời cũng rất ít cơ sở hoạt động sau 10 giờ tối.
Bên cạnh đó, mặc dù đã và đang triển khai nhiều loại hình du lịch, tuy nhiên các điểm tham quan, di tích lịch sử hầu hết cũng không đón khách tham quan sau 18 giờ. Lấy trường hợp phát triển kinh tế ban đêm tại huyện Cần Giờ (TPHCM), chuyên gia này chỉ ra, huyện này có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đêm nhưng phải chú trọng đến quảng bá hình ảnh, ra mắt tuyến phố đi bộ kết hợp khu ẩm thực đêm đầu tiên trên địa bàn để thu hút du khách biết đến. Khi xây dựng kinh tế đêm, huyện Cần Giờ cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của vùng đất Cần Giờ.
Hiện nay, để mở rộng khai thác kinh tế đêm, nhiều quận, huyện của TPHCM cũng tích cực xây dựng, cải tạo các địa điểm vui chơi, mua sắm về đêm cho người dân trên địa bàn. Tại các trung tâm thương mại, dịch vụ hiện hữu, nhiều mô hình tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh có điểm kinh doanh vào ban đêm, có sự sắp xếp quản lý của Nhà nước cũng đang được đây mạnh triển khai.
Tags:kinh tế đêm
Tin cùng chuyên mục