Tài sản của các tỷ phú Việt sau hai năm đại dịch
Trừ ông Phạm Nhật Vượng, tài sản của hầu hết tỷ phú Việt Nam đều tăng lên trong hai năm Covid.
Theo danh sách lần thứ 36 vừa công bố, Forbes thống kê năm nay thế giới có 2.668 tỷ phú, ít hơn 87 người so với năm ngoái. Tổng tài sản của các tỷ phú cũng giảm 800 tỷ USD, còn khoảng 12.700 tỷ USD vì đại dịch, chiến tranh và sự đi xuống của thị trường chứng khoán.
Dù vậy, 2022 lại là năm Việt Nam góp mặt nhiều tỷ phú nhất từ trước đến nay, với 7 người. Trong đó ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Nova Group lần đầu tiên lọt danh sách tỷ phú thế giới của Forbes, với khối tài sản trị giá 2,9 tỷ USD. Nhìn chung, trừ ông Phạm Nhật Vượng, tài sản của đa phần các tỷ phú Việt đều gia tăng dù phải trải qua hai năm kinh tế nhiều khó khăn.
Biến động tài sản của các tỷ phú Việt Nam 5 năm gần đầy. Đồ hoạ: Tạ LưÔng Trần Đình Long là người có tốc độ gia tăng tài sản lớn nhất trong nhóm này. Xuất hiện trong danh sách lần đầu năm 2018 với khối tài sản khoảng 1,3 tỷ USD, nhưng 2 năm liên tiếp sau đó, ông Long không được Forbes vinh danh.
Hiện tại, Chủ tịch Hoà Phát sở hữu khối tài sản trị giá 3,2 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm 2021. Kết quả này cũng giúp ông lần đầu lọt top 1.000 người giàu nhất thế giới - với vị trí thứ 951 và vượt qua bà Nguyễn Thị Phương Thảo để thành người giàu thứ nhì tại Việt Nam.
Tài sản của doanh nhân này năm ngoái thậm chí có thời điểm đạt gần 4 tỷ USD khi cổ phiếu HPG lên mức đỉnh gần 60.000 đồng vào cuối tháng 10 nhờ kết quả kinh doanh của Hoà Phát tăng đột biến trong bối cảnh giá thép tăng cao. Cả năm 2021, Hoà Phát lãi sau thuế hơn 34.500 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch và gấp 2,5 lần năm 2020.
Tuy nhiên, mã này giảm khoảng 25%, về quanh vùng 45.000 đồng vào cuối năm khi giá thép dần bình ổn và cổ phiếu ngành thép cũng được điều chỉnh, khiến đà tăng tài sản của ông Long bị thu hẹp. Cuối tháng 12/2021, Chủ tịch Hoà Phát được ước tính sở hữu tài sản khoảng 3 tỷ USD.
Đến ngày 11/3 – thời điểm Forbes chốt giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái để chọn lọc danh sách tỷ phú năm nay, mã HPG đã phục hồi lên gần mốc 50.000 đồng. Đây cũng có thể là yếu tố giúp tài sản của ông Long tăng thêm 200 triệu USD so với cuối năm ngoái.
CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cũng trở lại Top 1.000 người giàu nhất thế giới sau 4 năm với vị trí thứ 951, dù ngành hàng không năm ngoái tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch. Năm nay, bà sở hữu khối tài sản trị giá 3,1 tỷ USD, tăng 300 triệu USD so với một năm trước.
Từ đầu tháng 2 đến nay, cổ phiếu VJC tăng hơn 16% khi Việt Nam mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Hiện tại, Vietjet đã mở, tăng tần suất toàn bộ đường bay quốc tế từng khai thác trước đây và cũng vừa đón thêm tàu thân rộng Airbus A330 thứ 2 để chuẩn bị cho nhu cầu đi lại tăng cao thời gian tới.
Bà Thảo lần đầu lọt danh sách tỷ phú này năm 2017 và một năm sau đó trở thành người giàu thứ 766 thế giới với tài sản 3,1 tỷ USD. Khối tài sản của CEO Vietjet lần lượt giảm còn 2,3 tỷ USD và 2,1 tỷ USD vào năm 2019, 2020.
Cặp đôi Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đều có thêm 700 triệu USD mỗi người. Tài sản của ông Hùng Anh- chủ yếu liên quan đến TCB– hiện đạt 2,3 tỷ USD. Còn tài sản của ông Quang – chủ yếu liên quan đến MSN – hiện khoảng 1,9 tỷ USD.
Năm ngoái, Techcombank lần đầu cán mốc lợi nhuận tỷ USD khi báo lãi xấp xỉ 23.240 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2020. Trong khi đó, lợi nhuận năm ngoái của Masan cũng tăng gấp 7 lần, lên mức hơn 8.500 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh cốt lõi của đại gia này không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, thậm chí bán lẻ còn tăng trưởng nhờ nhu cầu hàng thiết yếu trong giai đoạn giãn cách. Năm ngoái, giá cổ phiếu MSN tăng gần hai lần, vượt mốc 170.000 đồng cuối tháng 12. Tuy nhiên, ngay sau đó mã này giảm mạnh và hiện duy trì quanh ngưỡng 150.000 đồng.
Năm nay là lần thứ năm liên tiếp ông Trần Bá Dương và gia đình được đưa vào danh sách của Forbes. Tuy nhiên, so với năm ngoái, khối tài sản của ông Dương và gia đình không thay đổi, vẫn ở mức 1,6 tỷ USD.
Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco), do gia đình ông Dương sở hữu hơn 70%, vốn là doanh nghiệp đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam dù chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khác với những tỷ phú còn lại, tài sản của ông Dương không thể xác định biến động hàng ngày như giá cổ phiếu trên thị trường. Vì thế, tài sản của ông thường chỉ thay đổi trong mỗi kỳ đánh giá của Forbes.
Ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam và đứng thứ 411 trên bảng xếp hạng chung. Tuy nhiên, khối tài sản của Chủ tịch Vingroup giảm hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái, hiện chỉ còn 6,2 tỷ USD. Trước đó, hồi cuối năm 2021, Forbes vẫn ghi nhận ông Vượng có 7,4 tỷ USD, tăng 100 triệu so với đầu năm.
Kết quả này cũng phù hợp với diễn biến giá cổ phiếu VIC thời gian qua. Cổ phiếu này tăng vọt trong giai đoạn đầu năm, ghi nhận mức đỉnh gần 130.000 đồng vào giữa tháng 4, cùng biên độ vượt thị trường chung. Thế nhưng, nửa cuối năm VIC lại nhường sân khấu cho nhóm khác dẫn dắt và giảm về dưới 100.000 đồng cuối tháng 12.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VIC vẫn tiếp đà đi xuống, hiện giao dịch quanh mức 80.000 đồng. Năm 2021 cũng là lần đầu tiên Vingroup báo lỗ nghìn tỷ do chuyển hướng hoàn toàn sang xe điện và tài trợ cho hoạt động chống dịch.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng vẫn đóng góp hơn 6.000 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch và các hoạt động tài trợ khác. Tương tự, hãng hàng không Vietjet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cung cấp hàng trăm chuyến bay miễn phí giải toả hành khách, y bác sỹ, thiết bị y tế... hay ủng hộ 100 tỷ đồng cho quỹ vaccine. Ông Trần Bá Dương cùng Thaco cũng ủng hộ hàng trăm tỷ đồng, trong đó có nhiều xe chuyên dụng vận chuyển vaccine, xe tiêm chủng lưu động... tại nhiều địa phương trên khắp cả nước.
Anh TúTrở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×
Tags:Tỷ phú
Phạm Nhật Vượng
Trần Đình Long
Nguyễn Thị Phương Thảo
Bùi Thành Nhơn
Trần Bá Dương
Nguyễn Đăng Quang
Hồ Hùng Anh
báo chí dữ liệu
Tin nóng
Nhân sự thương trường
Phân tích
Tin cùng chuyên mục