05/12/2023 15:41

Chuẩn EU-GMP giúp doanh nghiệp dược có lợi thế xuất khẩu

Đầu tư vào công nghệ hiện đại đang tạo nền tảng cho các công ty dược trong nước tự tin bước vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu.

Lực hút của thị trường 10 tỉ đô la

Mới đây, KPMG nhận định thị trường dược phẩm Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ tại khu vực. Thực tế, theo Cục Quản lý Dược, tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam ước tính tăng từ khoảng 2,7 tỉ USD trong năm 2015 lên 7 tỷ USD vào năm 2022, dự báo đạt hơn 10 tỷ USD vào năm 2026.

Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển dược phẩm nội địa là một trong những chiến lược phát triển trọng tâm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu đều có cổ đông chiến lược ngoại như: Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Pymepharco (PME)…

Với mức tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất dược phẩm nội địa, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu lớn như Campuchia, Lào, Myanmar và các quốc gia trong khối ASEAN. Các chuyên gia của KPMG cho rằng, việc áp dụng khuôn khổ pháp lý hoàn thiện cùng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp có thể thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển ngành dược phát minh. Với nhiều nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng, KPMG dự báo ngành này có bước tăng trưởng đột phá khi các công ty bắt đầu đầu tư các cơ sở sản xuất hiện đại.

Có thể kể đến Singapore là bài học điển hình khi biến mình trở thành trung tâm dược phẩm chỉ trong hai thập kỷ. Mục tiêu của chiến lược này ở giai đoạn 1 là làm tăng gấp đôi sản lượng sản xuất hằng năm của ngành BMS lên 7 tỷ USD vào năm 2025.Singapore trở thành trung tâm sản xuất nghiên cứu và phát minh dược phẩm trong khu vực. Sản lượng dược phẩm đã tăng từ 2,8 tỷ USD trong năm 2000 lên đến 15,7 tỷ USD trong năm 2018 với tốc độ tăng trưởng kép là 10%.

Chuẩn EU-GMP và đích ngắm xuất khẩu

Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của Singapore để phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và dưạ vào nội lực của các doanh nghiệp đang có sự đầu tư nghiêm túc cho chất lượng, công nghệ, dây chuyền sản xuất, nghiên cứu và phát triển, và mạnh dạn tiếp cận thị trường mới.

Giữa tháng 10 năm nay, Công ty Imexpharm đã mạnh dạn “mang chuông đi đánh xứ người “khi là một trong những công ty trong nước hiếm hoi tham gia sự kiện CPhI tại Barcelona, Tây Ban Nha. CPhI là sự kiện quốc tế quan trọng của ngành dược, kết nối các nhà sản xuất dược hàng đầu trên toàn thế giới nhằm trao đổi các sáng kiến đổi mới công nghệ, sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu… Tại đây, Imexpharm đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các đối tác tiềm năng và bước đầu được các đối tác quốc tế đánh giá cao.

Bước chân ra biển lớn là một hành trình khá dài. Trong đầu những năm 1980, Imexpharm khởi đầu với sản xuất kháng sinh Amoxicillin cùng các sản phẩm từ hoạt chất Paracetamol. Sau đó, Imexpharm tạo dấu ấn trên thị trường khi trở thành đối tác sản xuất nhượng quyền của nhiều tập đoàn dược đa quốc gia hàng đầu thế giới như: Sandoz, DP Pharma, Galien, Pharmacience Canada, Sanofi – Aventis.

Toàn cảnh Nhà máy Công nghệ cao IMP4 Bình Dương của Imexpharm 1

Đến nay Imexpharm có 4 cụm nhà máy, trong đó có 11 dây chuyền của 3 nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP và trở thành công ty sở hữu nhiều nhà máy và dây chuyền EU-GMP lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, Imexpharm hiện có 12 số đăng ký cho 7 sản phẩm được phép phân phối và lưu hành tại châu Âu theo tiêu chuẩn EU-GMP.

Kỹ thuật viên vận hành hệ thống máy từ xa tại nhà máy EU-GMP của Imexpharm

Tổng giám đốc Imexpharm, Thầy thuốc nhân dân, Dược sĩ Trần thị Đào luôn trăn trở bởi vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Hầu hết công ty dược phẩm nội địa mang lại giá trị gia tăng chưa nhiều. Điều này khiến thuốc ngoại nhập khẩu chiếm ưu thế và bệnh nhân ở Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các thuốc mới so với các nước trong khu vực. Theo Bộ Y tế, năm 2022, chỉ có 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam (trên tổng 460 thuốc mới ra thị trường từ 2012 tới cuối 2021). Vì vậy, việc mở rộng năng lực sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế và tăng cường khả năng sản xuất thuốc phát minh sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của thuốc nội với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Qua đó, giúp mở rộng cơ hội cho người dân được tiếp cận với các loại thuốc tốt với chi phí hợp lý, hình thành một nền y tế chăm sóc sức khoẻ tự chủ và bền vững.

Kiểm thành phẩm bằng mắt thường một trong các bước kiểm tra chất lượng sản phẩm

Theo bà Đào, để gia tăng sức cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước, Imexpharm luôn đặt mục tiêu đầu tư có chiều sâu cho chất lượng sản phẩm trong khi đảm bảo giá thành hợp lý đến tay bệnh nhân. Chất lượng là một trong những điểm nổi bật của Imexpharm được các bệnh viện, bác sĩ và bệnh nhân ghi nhận trong những năm qua. Imexpharm luôn duy trì hệ thống sản xuất đạt chuẩn quốc tế, tập trung nguồn lực, đầu tư bài bản các nhà máy sản xuất đạt chuẩn EU- GMP và tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến khác. Imexpharm đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của tập đoàn SK, Imexpharm sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác với các đối tác quốc tế, từ đó đa dạng hóa danh mục sản phẩm và tiếp tục giới thiệu những sản phẩm thuốc Việt mới có chất lượng và hiệu quả điều trị cao ngang hàng thế giới với giá thành hợp lý.

“Về đầu tư mở rộng, chúng tôi liên tục đầu tư và thực hiện các sáng kiến nhằm tăng năng suất của các dây chuyền, nhà máy hiện hữu. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu đánh giá khả thi một số dự án đầu tư nhà máy, dây chuyền mới nhằm ngày càng đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Imexpharm sẽ thông tin đến quý báo, bạn đọc và nhà đầu tư, đối tác trong thời gian thích hợp.” Tổng giám đốc Trần Thị Đào chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục